Đau chân có thể xảy ra đột ngột rồi tự biến mất, nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng và ngày một tăng nặng. Chân bị đau tiềm ẩn nhiều bệnh lý mạn tính mà nếu không chữa trị kịp lúc sẽ dẫn đến những “hậu họa” khôn lường. Bài viết sau đây sẽ trang bị cho bạn những kiến thức hữu ích nhất để chủ động ứng phó khi cơn đau chân không rõ nguồn gốc bất ngờ xuất hiện.
Đau chân là gì?
Đau chân là cảm giác đau hoặc khó chịu ở bất kỳ vị trí nào trên đôi chân với những trạng thái khác nhau, từ âm ỉ đến dữ dội như dao đâm, khu trú tại một điểm hoặc lan tỏa ra thành vùng rộng lớn. Bạn có thể bị đau chân trái, đau chân phải hoặc đau cả hai chân kèm theo hiện tượng tê, ngứa ran và bỏng rát.
Cơn đau chân bắt nguồn từ việc hoạt động quá mức hoặc chấn thương nhẹ thường biến mất trong thời gian ngắn và có thể được xoa dịu bằng các biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chân bị đau là do ảnh hưởng của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó và “không có hồi kết” thì cần được chẩn đoán và điều trị y khoa ngay từ sớm.
Điều quan trọng là mỗi người phải nhận thức được những gì đang xảy ra trong thời gian cơn đau chân xuất hiện. Bởi vì, chỉ khi bản thân tự đánh giá sự thay đổi ở chân là bất thường thì bạn mới đưa ra quyết định thăm khám chính xác và kịp thời, phòng tránh những rủi ro ẩn sau cảm giác đau nhức chân tưởng như bình thường này.
Những vị trí đau nhức chân thường gặp
Cơn đau có thể lan tỏa khắp chân và cũng có thể khu trú tại một vị trí nhất định tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau. Tuy nhiên, cảm giác này thường xảy ra và biểu hiện rõ ràng nhất là ở các bộ phận sau:
-
Đầu gối.
-
Cổ chân.
-
Bàn chân.
Đây là các khớp động nên vừa phải hoạt động tần suất cao vừa phải chịu sức ép lớn từ trọng lượng cơ thể. Do đó, những bộ phận này rất dễ gặp chấn thương và mắc các bệnh lý xương khớp phổ biến với biểu hiện đặc trưng là đau nhức.
Ngoài ra, chân bị đau một phần hay toàn phần còn phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương mà đôi chân của bạn đang phải gánh chịu. Hãy cố gắng khoanh vùng cơn đau một cách cụ thể nhất để việc “truy tìm thủ phạm” khiến bạn bị đau chân trở nên dễ dàng hơn
Dấu hiệu đau nhức chân trái, chân phải cảnh báo điều gì?
Đau nhức chân không phải tình trạng hiếm gặp. Chỉ cần bạn đi bộ hay chạy nhiều hơn thường ngày là đôi chân cũng có cảm giác đau mỏi.
Nếu đau chân do hoạt động quá mức thì không đáng lo ngại, bởi chỉ cần nghỉ ngơi và vận động điều độ trở lại, chân sẽ hết đau. Nhưng nếu sau một vài ngày, chân vẫn đau nhức và có xu hướng đau hơn khi di chuyển, bạn nên đặt nghi vấn cho các nguy cơ sau:
-
Bệnh lý xương khớp, điển hình là viêm khớp gối, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống thắt lưng…
-
Chấn thương ở khớp, xương hoặc mô mềm gồm cơ, dây chằng và gân.
-
Một số căn bệnh toàn thân khác, chẳng hạn máu đông, suy giãn tĩnh mạch hoặc tuần hoàn kém…
Nói như vậy để khi gặp tình trạng này, mọi người không nên chủ quan. Dù bị đau chân trái hay đau nhức chân phải kéo dài, bạn cũng nên đến bệnh viện thăm khám để chẩn đoán chính xác nguồn gốc vấn đề.
Khi nào nên tới bệnh viện thăm khám?
Ngoại trừ trường hợp đau chân do chấn thương hoặc những điều trị đang theo dõi thì các dấu hiệu sau đây giúp bạn xác định thời điểm nào cần phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra chân đau. Lời khuyên dành cho bạn là không bao giờ được bỏ qua bất kỳ cơn đau chân bất thường nào, nhất là khi cảm giác này diễn ra trong nhiều ngày, có xu hướng lặp lại và đi kèm với các triệu chứng khác:
-
Chân sưng đỏ và ấm khi chạm vào.
-
Đi lại khó khăn và khả năng chịu lực của chân yếu dần.
-
Đầu gối, cổ chân phát ra âm thanh răng rắc hoặc lục cục.
-
Căng cứng các khớp, khó co duỗi và đứng lên ngồi xuống.
-
Chân nhợt nhạt.
-
Sốt, khó thở và cơ thể mệt mỏi.
Đôi chân của chúng ta sẽ không “vô duyên vô cớ” giở chứng đau nhức. Vậy nên, thay vì cố gắng chịu đựng, bạn hãy đến gặp chia sẻ với bác sĩ để được tư vấn cách loại bỏ “nỗi đau” này sớm nhất có thể nhé!
Nguyên nhân gây đau nhức chân trái hoặc chân phải
Cảm giác đau nhức đeo bám đôi chân nhiều ngày cảnh báo chúng ta về nhiều vấn đề nguy hiểm. Dưới đây là những nhóm nguyên nhân gây đau chân phổ biến mà bạn cần chú ý:
Đau chân do bệnh lý xương khớp
Đau nhức, sưng tấy và căng cứng chân là những triệu chứng đặc trưng của các bệnh xương khớp mạn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, gout… Vậy cơn đau chân biểu hiện như thế nào khi bạn mắc một trong những bệnh lý này?
-
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là căn bệnh phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Bệnh xảy ra khi lớp sụn bảo vệ các đầu xương bị mòn theo thời gian.
Mặc dù thoái hóa có thể làm hư hỏng bất kỳ khớp nào, nhưng những khớp động (như khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân) dễ bị thoái hóa dẫn đến đau chân nhất. Để làm chậm tiến trình thoái hóa và cải thiện chức năng khớp, người bệnh cần chiến lược chữa trị lâu dài.