Chạy bộ là môn thể dục được nhiều người yêu thích, lựa chọn để luyện tập nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, rất nhiều bạn vì chạy bộ không đúng kỹ thuật dẫn đến đau đầu gối khi chạy. Ngoài ra, đau đầu gối khi chạy bộ cũng có thể là dấu hiệu sức khỏe xương khớp gối của bạn đang có vấn đề không thể chủ quan.
Đau đầu gối khi chạy bộ là gì?
Đầu gối là phần gánh chịu áp lực trọng lượng lớn của cơ thể và cũng là phần có tần suất hoạt động cao. Đặc biệt, khi chạy bộ đầu gối phải gập vào và duỗi ra liên tục dẫn đến hoạt động quá sức và mỗi lần chân tiếp đất, đầu gối đều phải chịu một lực tác động lực lớn. Do đó, khi chạy bộ sai cách có thể khiến bạn gặp một số trường hợp ngoài ý muốn như đau đầu gối sau khi chạy hoặc trong lúc chạy với những biểu hiện như:
-
Ban đầu, chỉ cảm thấy đau nhức âm ỉ quanh đầu gối, cơn đau thường xuất hiện vài phút rồi biến mất.
-
Về sau, cơn đau xuất hiện đột ngột trong lúc chạy, khiến bạn phải dừng chạy, thậm chí phải ngồi xuống.
-
Cơn đau thường tăng lên khi thay đổi tốc độ, chạy xuống dốc hoặc đi xuống cầu thang.
-
Khu vực quanh đầu gối sưng đỏ, một số trường hợp có thể thấy đau khi dùng tay ấn mạnh vào.
-
Đôi khi có thể thể nghe thấy tiếng rắc rắc phát ra từ khớp gối khi chạy hoặc có cảm giác ma sát nơi đầu gối.
Những nguyên nhân gây đau đầu gối khi chạy bộ
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây đau đầu gối khi chạy bộ nhưng dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:
-
Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương sụn khớp gối kèm phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp để bù vào lớp sụn đã mất. Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh sẽ thấy đau nhức mặt trước hoặc trong khớp gối, cơn đau tăng khi vận động như: chạy, chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, leo cầu thang. Ngoài ra, người bệnh thoái hóa khớp gối khi chạy bộ với cường độ cao có thế dẫn đến thoái hóa khớp nhanh, khiến cơn đau khớp gối tăng nặng.
-
Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao hoạt dịch khớp gối là tình trạng viêm, sưng, đỏ túi chứa dịch lỏng ở đầu gối. Phần bao hoạt dịch có vai trò như một lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh để giúp cho các hoạt động được dễ dàng hơn. Khi bao hoạt dịch khớp gối bị viêm, người bệnh sẽ thấy đau nhức khớp gối khi chạy bộ, thậm chí khó khăn khi di chuyển.
-
Viêm gân gối
Chạy bộ không đúng cách có thể gây viêm gân gối (cụ thể là viêm gân bánh chè). Dấu hiệu viêm gân gối là cảm giác đau ở vị trí trước gối nơi gân bị viêm, cơn đau có thể âm ỉ, ngày càng tăng dần, có chu kỳ, đi từ đau liên tục, đến đau mạnh rồi giảm dần rồi lại tăng lên.
-
Rách sụn chêm
Sụn chêm đầu gối là hai miếng sụn nằm giữa xương chày phía dưới và xương cẳng chân phía trên, có vai trò giảm bớt áp lực của trọng lượng cơ thể lên đầu gối khi vận động, di chuyển. Khi đầu gối bị tác động bởi một lực mạnh như té ngã, tai nạn… có thể dẫn tới rách sụn chêm, gây ra sưng đau và cứng khớp gối. Từ đó, việc co giãn đầu gối, đi lại, chạy bộ thường đau nhức, thậm chí rất khó khăn.
-
Chấn thương đầu gối
Chấn thương đầu gối hay còn gọi Runner’s knee, đây là một trong những tổn thương hay gặp ở người chạy bộ đường dài. Theo các chuyên gia, cơ tứ đầu đùi giữ xương bánh chè ở đúng vị trí. Khi bạn chạy, xương bánh chè sẽ chuyển động lên xuống, nhưng không chạm vào xương đùi. Nếu cơ tứ đầu đùi yếu hoặc chạy sai tư thế, xương bánh chè có thể di động từ trái sang phải, chèn ép lên đầu gối, làm tăng ma sát gây khó chịu. Tình trạng này để kéo dài, xương bánh chè sẽ cọ xát vào phần dưới xương đùi, ảnh hưởng tới sụn khớp gối. Sự ma sát giữa xương bánh chè và xương đùi sẽ bào mòn sụn khớp. Sau cùng, xương bánh chè không thể gập lại một cách dễ dàng, gây đau nhói ở dưới hoặc quanh xương bánh chè. Cơn đau cảm nhận rõ rệt nhất khi bạn chạy bộ, gập khớp gối, đi bộ xuống cầu thang, ngồi xổm…
-
Tổn thương dây chằng
Ở đầu gối, dây chằng chéo trước (ACL – Anterior Cruciate Ligament) và dây chằng chéo sau (PCL – Posterior Cruciate Ligament) là hai dây chằng rất dễ bị tổn thương. Khi ACL thường xuyên bị kéo căng hoặc bị đứt do cử động vặn đột ngột, dang đầu gối thật rộng để vượt qua chướng ngại vật khi chạy hoặc dừng đột ngột giữa các sải chân. Còn với PCL thường bị thương do tác động trực tiếp. Những tổn thương ở dây chằng không chỉ gây đau đầu gối khi chạy bộ mà còn có thể làm giảm khả năng vận động, gây đau cứng khớp, thoái hóa khớp.
-
Luyện tập quá sức:
Tăng đột ngột quãng đường chạy hay số lượng những buổi luyện tập sẽ khiến đầu đầu gối tăng áp lực – một trong những nguyên nhân dẫn đến đau đầu gối. Ngoài ra, thực hiện các bài tập căng thẳng cao như: căng và giãn cơ, squat, kéo dài đầu gối không đúng cách có thể kích thích các mô bên trong và xung quanh xương bánh chè, từ đó dẫn đến tình trạng đau đầu gối.
-
Thừa cân, béo phì:
Trọng lượng cơ thể quá lớn có thể gây áp lực lên khớp gối, chèn ép lên các dây thần kinh khi di chuyển, nhất là chạy bộ, từ đó gây ra các cơn đau nhức đầu gối.