Viêm khớp dạng thấp dân gian thường gọi là bệnh thấp khớp. Nhiều người nghĩ bệnh viêm khớp dạng thấp chỉ xảy ra ở người già, nhưng thật ra căn bệnh này cũng gặp nhiều ở người trẻ (dưới 40 tuổi) và trẻ nhỏ (dưới 16 tuổi). Bệnh gây đau nhức nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường nhật của người bệnh.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh lý tự miễn điển hình, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân với nhiều mức độ khác nhau. Bệnh tiến triển phức tạp, gây hậu quả nặng nề nên cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp hữu hiệu để làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Viêm khớp dạng thấp làm giảm khả năng vận động khớp, khiến người bệnh mệt mỏi, xanh xao. Vào những ngày bùng phát, viêm khớp gây đau đớn đến cực độ, đôi khi làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, mắt hoặc da. Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh diễn biến mạn tính, nếu không kiểm soát, không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến dính và biến dạng khớp. (1)
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ riêng lẻ như ngón tay, cổ tay, bàn tay, mắt cá chân và bàn chân. Đây là dạng bệnh có tính đối xứng, nếu bị đau các ngón tay bên tay trái, sau một thời gian sau, có thể bạn sẽ bị đau luôn các ngón tay bên tay phải. Khi viêm khớp dạng thấp tiến triển, cơn đau có thể diễn ra ở các khớp lớn hơn như khớp vai, khuỷu tay, đầu gối, hông, xương hàm và cổ, với các triệu chứng điển hình như: (2)
1. Nhóm triệu chứng toàn thân
- Mệt mỏi, trì trệ, suy nhược vào giai đoạn đầu.
- Sốt nhẹ, tay chân ra nhiều mồ hôi, tê bì đầu chi.
- Đau nhức toàn thân dù không vận động mạnh trước đó.
- Biến chứng da, mắt, tim, phổi, mạch máu… giai đoạn nặng, ảnh hưởng đến nhiều cấu trúc khác không chỉ riêng khớp.
2. Nhóm triệu chứng tại khớp
Đau, cứng khớp: Phản ứng viêm khiến khớp tổn thương và đau âm ỉ. Đau nhiều về đêm, tăng khi gần sáng và cơ cứng khớp lúc thức dậy ít nhất 30 phút, hạn chế vận động. Đặc biệt, viêm khớp dạng thấp có tính đối xứng, chỉ cần một bên khớp bị viêm đau thì bên còn lại cũng có biểu hiện tương tự.
Sưng, đỏ và nóng da tại vùng khớp bị viêm: Khớp tay – cổ tay – ngón tay hoặc khớp gối, khớp chân bị sưng đỏ do dịch tụ lại trong khớp. Sờ vào thấy ấm và nóng da. Vùng da khớp bị viêm có màu hồng nhạt hoặc đỏ hơn so với vùng xung quanh. Giai đoạn nặng, xuất hiện mụn đỏ (các nốt thấp khớp) trên vùng da khớp tổn thương, đường kính 5 – 20mm, các nốt này không gây đau.
Các dấu hiệu của một cơn viêm khớp dạng thấp có thể biểu hiện khác nhau từ mức độ thoáng qua tới mức độ nghiêm trọng. Thời kỳ bùng phát của bệnh tăng lên thường có dấu hiệu sưng, đau, làm người bệnh khó ngủ, sức khỏe yếu dần đi. Hoặc các dấu hiệu cũng có thể dần biến mất đi khi cơn viêm đi qua.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Các chẩn đoán hình ảnh chỉ ra các tổn thương hiện hữu tại các khớp, còn xét nghiệm máu và yếu tố dạng thấp giữ vai trò đánh giá các tổn thương khớp giai đoạn sớm, cũng như tiên lượng về mức độ tiến triển của bệnh. (3)
1. Chẩn đoán hình ảnh
Thời gian trước, X-Quang được áp dụng nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, chụp cộng hưởng từ (MRI) – với hình ảnh mang lại rõ nét lại được dùng để chẩn đoán bệnh nhiều hơn. Bên cạnh việc chẩn đoán tổn thương ở sụn khớp & xương dưới sụn, MRI còn đánh giá được tình trạng tràn dịch khớp, viêm màng hoạt dịch. Ngoài ra, siêu âm khớp cũng có thể được áp dụng hỗ trợ kèm theo.
2. Xét nghiệm máu
Gồm tốc độ máu lắng (ESR), Protein phản ứng C (CRP), công thức máu toàn phần. Xét nghiệm máu cung cấp thông tin về các chỉ số bình thường và chỉ số khi bị bệnh. Đồng thời, giúp “truy tìm” các kháng thể hình thành do tình trạng viêm khớp gây ra như: anti-CCP (anti-cyclic citrullinated peptide antibodies) hay yếu tố khớp (RF). Những trường hợp viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm, sự xuất hiện của anti – CCP và yếu tố thấp khớp RF trong máu tiên lượng tình trạng gia tăng tổn thương khớp.
Tuy nhiên, RF và anti – CCP cũng có thể xuất hiện trong một số bệnh lý viêm nhiễm mãn tính như lao tiến triển hoặc bệnh khớp tự miễn như lupus ban đỏ. Vì vậy, cần các các kỹ thuật chuyên môn để chẩn đoán phân biệt giữa các loại bệnh.
- Công thức máu toàn phần: Đánh giá mức độ thiếu máu khi bị viêm khớp dạng thấp kéo dài, mãn tính. Trường hợp viêm khớp dạng thấp thường thấy tăng tiểu cầu. Số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ.
- Tăng tốc độ máu lắng (ESR) và Protein phản ứng C (CRP): có giá trị để đánh giá tình trạng viêm và dùng trong theo dõi đáp ứng điều trị, tuy nhiên đây là xét nghiệm không đặc hiệu.
- Kháng thể kháng CCP (anti-cyclic citrullinated peptide antibodies – anti-CCP): rất có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh học viêm khớp dạng thấp do xét nghiệm có độ đặc hiệu cao (98%). Có tới 93% người viêm khớp sớm chưa xác định rõ ràng loại bệnh nếu có anti-CCP dương tính thì sẽ tiến triển thành viêm khớp dạng thấp trong vòng 3 năm sau đó. Anti-CCP tăng cao cũng được xem là một yếu tố tiên lượng nặng của bệnh.
3. Xét nghiệm yếu tố thấp khớp RF
Còn gọi là yếu tố dạng thấp. Đây là một loại xét nghiệm máu đơn giản nhằm đo các globulin miễn dịch kháng lại đoạn Fc của loại phân tử có tên là Globulin IgE. Nồng độ kháng thể RF cao được xem là yếu tố tiên lượng bệnh nặng. 50-75% người viêm khớp dạng thấp có RF dương tính thường là ở những bệnh nhân có chứa kháng nguyên tên là HLA-DR4 trong người và những người ở thể bệnh nặng, tiến triển nhanh… HLA-DR4 có tên là kháng nguyên hóa hợp tổ chức, và thường xuất hiện trong cơ thể người bệnh viêm khớp dạng thấp do di truyền từ gia đình.